Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Thế là tôi được đi học. Lẽ ra thì tôi đã đến tuổi đi học từ năm ngoái. Nhưng bố tôi bảo để tôi đi học muộn vì lí do sức khỏe. Năm ngoái tôi đã bám gối mẹ tôi gào khóc đòi đi học nhưng bố tôi không đồng ý.
Đi học. Hai tiếng ấy trong tôi sao mà hấp dẫn, sao mà thiêng liêng. Đi học tôi sẽ biết chữ, tôi sẽ đọc được sách. Tôi sẽ biết nhiều câu chuyện. Cái tính tôi hay hóng chuyện.
Chuyện tôi đòi đi học có thể còn do ông nội tôi. Bởi tôi là thằng đích tôn (cô tôi thường nói đùa là thằng “đít nhôm”) của ông nên ông hay gửi gắm ý tưởng. Ông thường bảo: “Phải học cháu ạ. Phải học mới nên người”. Nên người là thế nào. Có phải như nhà ông Sinh Phát ở giữa làng tôi mà ai cũng khen là nhà đang phát. Ông là cán bộ, lúc nào nhà cũng nườm nượp khách khứa ra vào. Con trai ông là sĩ quan quân đội mỗi khi về làng đều có ô tô đưa đón. Các con gái ông đều lấy chồng vào nhà giàu có. Bà vợ ông được cả làng khen là có số sướng. Bà là đội phó đội sản xuất, kiêm thêm chức kế toán. Lúc nào bà cũng mặc đẹp. Ra đồng làm ruộng hợp tác bà chỉ có mỗi nhiệm vụ quãi phân đạm cho các ruộng lúa. Bà cũng gánh đôi quang gánh bằng chiếc đòn tre nhưng không phải chiếc đòn tre chín rạn đôi vai với những gánh lúa, gánh đất, gánh phân chuồng như những nông dân khác. Hai bên đầu đòn gánh của bà là hai rá phân đạm. Nó vừa nhẹ, vừa sạch vừa có vẻ sang trọng của thứ sản phẩm công nghiệp vốn hiếm hoi trong làng xóm ở thời cả nước làm nông nghiệp truyền thống.
Hay nên người như nhà anh Khoa với ba anh em đều học Đại học, đều đi nước ngoài. Anh Khoa đi Liên Xô về có cái máy quay đĩa cả làng đến nghe nhờ những bài hát phát ra từ cái máy. Ngày dân làng đắp con đường, anh đem máy quay đĩa ra phục vụ người gánh đất. Mọi người vừa gánh đất vừa được nghe hát, ai cũng trầm trồ khen. Đúng là anh có học đã nên người.
“Phải học mới nên người cháu ạ”. Ông tôi thường bảo tôi thế. Tôi chưa bảo giờ hỏi ông xem “nên người” là thế nào nhưng qua câu chuyện của ông tôi hiểu rằng nên người tức là người có hiểu biết. Tức là có đạo lý. Tức là phải biết lịch sử. Những khi vui chuyện ông thường kể lịch sử với những Hồng Bàng thị, với những Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê. Rồi nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu với những vua Nghiêu, vua Thuấn. Rồi “Đức Thánh đã dạy thì đố có sai bao giờ”. Tức là rất nhiều câu chuyện được ông kể trong lúc vui say mà trí não non nớt của tôi chưa đủ hiểu. Tôi chỉ hiểu một điều: phải học.
Nên người đối với bố tôi là người hiểu biết để phân biệt được đúng sai, phải trái. Người đã nên người tức là luôn biết làm việc đúng, cư xử đúng. Biết làm lành, tránh dữ. Biết được đúng sai đâu phải là chuyện nhỏ. Làm đúng mấy bài toán trong sách giáo khoa là chuyện bình thường. Biết được đúng sai trong cuộc sống đâu có dễ. Thế nên mới có những người mà người đời gọi là ông đồ gàn. Thời thế đã đổi thay vẫn cứ khư khư ôm lấy lề lối cũ để được tiếng là nghèo trong. Khi cái giàu được ngợi khen, người giàu được yêu mến mà mình vẫn cứ khăng khăng rằng nghèo mà vui thì nghe sao được. Thiên hạ có chửi là loại hèn ngu thì cũng đành phải chịu. Rồi ngoảnh mặt vào trong nhìn sâu nơi tâm hồn, tự vấn xem mình mơ hay tỉnh, sáng hay ngu.
Với tôi, có lẽ tôi say mê chuyện đi học vì nghĩ rằng khi mình biết chữ mình có thể tự đọc sách mà không phải nhờ chị tôi đọc cho nghe nữa. Chị tôi có quyển sách (hình như là quyển truyện tiếu lâm) với những mẩu chuyện rất hay. Tôi ấn tượng nhất trong cuốn sách đó là hình một ông đeo kính trắng ngồi đọc sách. Trông dáng ông ngồi đọc mới thanh cao, sang trọng làm sao. Phải mãi sau này tôi mới biết đó là bức hình minh họa cho câu chuyện anh mù chữ đi chọn kính. Chuyện rằng có một anh mù chữ thấy người ta đeo kính vào đọc sách thì tưởng hễ cứ đeo kính là đọc được sách. Anh bèn đến hiệu kính hỏi mua một chiếc. Anh loay hoay thử hết chiếc này đến chiếc khác mà không chọn được chiếc nào. Anh bảo chủ hiệu “kính của ông kém lắm, nếu tốt thì tôi đã đọc được rồi”. Khi chủ hiệu nhìn vào thấy anh ta cầm quyển sách lộn ngược mới rõ là anh không biết đọc. Thế là tôi đã thần tượng một anh mù.
*
* *
Mẹ đã chuẩn bị cho tôi đầy đủ mọi thứ. Một chiếc túi xách với những bông hoa to sặc sỡ. Chiếc túi rất đơn giản, không có ngăn có khóa gì nhưng mà tôi thấy nó đáng yêu vô cùng. Một chiếc bảng con với mấy viên phấn trắng. Một chiếc bút chì, quyển vở ô li và quyển sách Vỡ lòng. Tôi thích nhất là quyển sách Vỡ lòng với nhiều tranh đẹp. Những chú gà trống rực rỡ sắc màu. Bức tranh bà còng đi chợ trời mưa với cái tôm cái tép rất sống động.
Tôi sắp xếp tất cả vào túi. Lên giường ngủ rồi lại còn ngồi dậy xem lại lần nữa mọi thứ để ngày mai đi học. Buổi sáng bố đưa tôi đến lớp. Trong nắng thu vàng ruộm, tôi bước theo sau bố mà lòng vui phơi phới. Một con chim sẻ quạt nhảy múa tưng bừng ngay trên cành tre trước cổng nhà tôi. Con chó chạy theo tôi ve vẩy đuôi như chúc mừng tôi được đi học.
Lớp học ở trong một gian kho hợp tác thuộc khu đình cũ. Khi tôi đến thì các bạn đang học rồi. Cô giáo xếp chỗ cho tôi rồi hướng dẫn cả lớp cùng đọc dòng chữ cô ghi trên bảng. Đọc xong một lượt cô hỏi:
- Bạn nào có thể đọc lại?
Tôi giơ tay xung phong. Cô giáo mời tôi đọc và tôi đã đọc đúng tất cả các chữ cái cô chỉ. Rất vui, cô nói:
- Cả lớp hoan hô bạn Sơn nào.
Thế là tôi được chào đón bằng một tràng pháo tay nồng nhiệt. Cô giáo cử luôn tôi làm lớp trưởng. Cái tên Cao Thanh Sơn của tôi được ghi nhận ngay trong buổi học đầu tiên.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
*
* *
Theo nhận xét của mọi người thì tôi là đứa sáng dạ. Chẳng biết có đúng vậy không nhưng việc học của tôi rất mau tiến bộ. Cô giáo khen tôi học giỏi khiến bố tôi vui lắm. Tôi luôn được bố đưa đi chơi. Đi chơi xa nhất là đến làng Ngọc Bút ở xã kế bên. Đấy là nhà bá tôi. Nhà bá tôi rất có điều kiện. Hồi ấy người ta kị từ giàu. Đi đâu cũng phải khoe rằng nhà tôi nghèo lắm. Ấy chính vì thế mà mỗi khi tôi nói nhà bá giàu là bá vội vàng nhắc nhở để tôi nói “có điều kiện” thay từ giàu.
Các anh chị con bá đều đi công tác. Anh Cầu tôi có chiếc xe Phượng Hoàng mới toanh. Tay anh đeo đồng hồ. Mặc áo trắng, đi dép Tiền Phong, cưỡi xe đạp trông rất oách. Anh được nhiều chị mê vì đẹp trai lại con nhà giàu (à, nhà có điều kiện).
Hôm tôi đến chơi anh Cầu đang có khách. Khách của anh là chị Ngọc Diệp. Chị Ngọc Diệp người thị trấn, có tóc phi dê. Chị xinh mà lại vui tính lắm. Đúng người thị trấn nên cái tên cũng đẹp. Chẳng như người làng tôi toàn những tên như cái Gái, chị Na, chị Lụa.
Biết tôi học giỏi chị Ngọc Diệp rất khen. Chị Tâm là con gái bá tôi thì lại muốn trêu tôi, chị bảo:
- Mày học giỏi nhưng ngày sau sẽ không giàu đâu. Đấy là do cái tên Cao Thanh Sơn của mày. Đã Cao lại còn Thanh. Lúc nào cũng chỉ mơ thanh cao thì giàu thế nào được.
Lúc ấy chị Ngọc Diệp đang yêu anh Cầu, chị là khách nên muốn bênh tôi. Chị bảo:
- Không phải thế Sơn nhỉ. Này, Tâm ơi, để chị giải nghĩa cái tên của Sơn. Cao tức là ở nơi cao, có vị trí cao. Còn Thanh Sơn là rừng xanh. Rừng xanh thì giàu có đứt rồi. Người ta chả bảo rừng vàng biển bạc là gì.
Chị Tâm hỏi tôi:
- Mày chọn cách giải nghĩa nào? Cách của chị hay của chị Ngọc Diệp?
Tôi muốn nói với hai chị về cách giải nghĩa tên tôi. Bố tôi bảo Sơn tức là núi, đặt tên Sơn là bởi câu “Người Trí thích nước, người Nhân thích núi”, nói chữ là “Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”. Người có lòng nhân thì luôn an nhiên tự tại bền vững như núi Thái Sơn. Núi là to lớn, vững bền. Núi nuôi được muôn loài cầm thú, vạn thứ cỏ cây, nâng niu tất thảy. Tôi toan nói thật suy nghĩ của mình song nghĩ thế nào lại đổi ý để nói ngắn gọn:
- Em chọn chị Ngọc Diệp.
- Đấy nhé, Sơn thích giàu rồi nhé – Chị Tâm nói.
Tôi bảo:
- Chị ơi, bá dặn đừng nói giàu, mà phải nói “có điều kiện”.
Hai chị tôi cười phá lên cùng đồng thanh:
- Thằng này rất biết nghe lời. Ngoan đấy, được đấy.
*
* *
Ông nội rất yêu tôi. Khi đi ăn cỗ hay đi chơi đâu ông cũng cho tôi đi cùng. Ông có người bạn là ông Cử Hoán thường hay đến chơi. Ông Cử Hoán người cao lớn, nước da đỏ au, râu tóc trắng như cước. Ông Cử Hoán hay kể chuyện xưa. Mỗi khi ông Cử đến, ông tôi rất vui mừng. Ông pha trà hoa sói, ủ trong ấm sứ Bát Tràng rồi cùng ông Cử đi dạo và ngắm cảnh trong vườn.
Ngay trước cửa nhà tôi là một bồn hoa có ba ô. Ô chính giữa ông tôi trồng một cây quất rất to quanh năm có hoa quả. Hoa quất trắng muốt và thơm ngát như hoa bưởi. Những quả chín đỏ rực rỡ như những thoi vàng. Một bên là khóm hoa sói và một bên là khóm hoa nhài.
Phía sau nhà và trước sân là vườn chè. Hai bên cổng vào là bờ rào hoa dâm bụt. Hai đầu sân là hai cây mơ, vụ quả nào quả cũng sai trĩu trịt. Rồi còn đủ thứ cây cối như mít, na, xoài, trám. Những rặng tre bao quanh vườn như thành lũy.
Sau một vòng ngắm cảnh, hai ông trở lại bàn trà bắt đầu trò chuyện. Những lúc ấy tôi thường ngồi ở một góc giường ở gian bên cạnh nghe ông Cử Hoán kể chuyện Trạng Trình. Chuyện Trạng biết trước sự việc hàng mấy trăm năm dặn lại không hề sai trật. Trong đền thờ Trạng, phía dưới bát nhang có một vuông đá nhỏ chính là bức thư khắc báo trước sự việc. Lúc ấy đã gần ba trăm năm sau ngày Trạng rời cõi thế, có vị quan nhà Nguyễn là Công Trứ theo lệnh vua phá đền. Đến khi vào dỡ bát nhang, lật viên đá lên thì thấy ghi dòng chữ “Minh Mạng thập tứ/ Thằng Trứ phá đền/ Phá đền thì phải làm đền/ Nào ai cướp nước tranh quyền chi ai”. Ông quan Nguyễn Công Trứ sợ quá phải tâu ngay về triều xin với vua dừng việc phá đền.
Ông Cử Hoán quay qua hỏi tôi:
- Cháu thích đi học chứ?
- Dạ cháu thích lắm ạ
- Thế đi học để làm gì?
Tôi muốn nói “đi học để nên người” như lời ông tôi thường nhắc nhở nhưng nghĩ thế nào tôi lại nói:
- Dạ, đi học để đọc sách ạ.
- Đọc sách thì cũng là học. Vậy là thằng này say mê việc học.
Rồi quay sang bảo ông tôi:
- Ngày sau nên hướng nó làm nghiên cứu khoa học ông ạ. Thằng này phải thành học giả.
Ông tôi cười vui bảo:
- Người xưa đi học trước để làm người rồi tiến lên thì làm quan để phò vua giúp nước. Giờ cách mạng rồi còn đâu chế độ vua quan nữa. Ông khuyên cháu thế là rất phải.
*
* *
Tôi đã biết đọc. Tôi tập đọc trong sách giáo khoa. Rồi tôi đọc báo. Nhà ông Tăng Sơn ở đầu xóm có rất nhiều báo dán tường. Mỗi buổi trưa đến nhà ông cắt tóc bao giờ tôi cũng leo lên giường, dán mắt vào những bài báo trên tường để đọc.
Rồi tôi xin tiền mua sách. Cuốn sách đầu tiên tôi mua có cái tên rất ngộ, Tiếng nói không lời. Đó là tiếng nói của các loài thú. Các con vật tuy không có lời nói như con người nhưng chúng biết “nói” bằng một tiếng nói khác. Tác giả đã khéo kể lại câu chuyện một cách rất hấp dẫn.
Loại sách tôi đọc nhiếu nhất là sách sử. Những câu chuyện lịch sử, những nhân vật lịch sử, những triều đại phong kiến kế tiếp nhau thông qua các cuốn sách đã nhập vào tôi. Những vua đen Mai Hắc Đế rồi đến Ngô Quyền đánh quân Nam Hán cho tới Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn. Rồi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được thái hậu Dương Vân Nga khoác cho áo hoàng bào, trao lại vương quyền để ông đánh giặc Tống. Rồi Lý Thường Kiệt đánh Tống trên sông Như Nguyệt với lời thơ thần Sông núi nước Nam vua Nam ở đến Trần Quốc Tuấn đại phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, Trần Quốc Toản, người thiếu niên anh hùng được Nguyễn Huy Tưởng viết trong cuốn Lá cờ thêu sáu chữ vàng.
Sách sử cho tôi thấy các triều đại phong kiến dường như đều có một nét giống nhau. Đó là mở đầu bằng những chiến công oanh liệt, kết thúc bằng một giai đoạn bi thương với một quá trình suy thoái. Đó là lúc vua quan xa rời dân chúng, mê mải với cuộc sống xa hoa, trác táng, coi dân như cỏ rác, xem trung thần như cừu thù, thích lời xu nịnh của kẻ tiểu nhân, ghét người hiền tài dâng lời nói thẳng. Những người dân lành luôn là nạn nhân khốn khổ của giai đoạn suy tàn với những ông vua hung bạo. Rồi những cuộc khởi nghĩa nông dân với những thủ lĩnh thế thiên hành đạo như Quận He Nguyễn Hữu Cầu, quận Hẻo Nguyễn Danh Phương dưới thời Lê mạt. Khởi nghĩa Phan Bá Vành chống vua quan nhà Nguyễn với câu ca như sấm truyền:
Trên trời có ông sao Rua
Ở dưới hạ giới có vua Ba Vành.
Những tấm gương quan trạng tài năng làm rạng danh cho nước như Mạc Đĩnh Chi đi sứ ứng đối giỏi. Trạng Lường Lương Thế Vinh cân voi trước mặt sứ Tàu khiến người Tàu phải kính nể. Trạng nguyên nhỏ tuổi Nguyễn Hiền giải câu đố của sứ Tàu khiến người Tàu phải thán phục. Sứ thần Giang Văn Minh kiêu hùng đối đáp bảo toàn danh dự nước nhà…
Việc đọc sách đã dạy tôi biết yêu nước và tự hào về truyền thống cha ông. Nó đã giúp tôi giàu có tâm hồn. Tôi lại nhớ chị Ngọc Diệp đã bênh tôi mà bảo tôi sẽ giàu. Tôi rất biết ơn chị Ngọc Diệp. Chị yêu anh Cầu tôi nhưng rồi tình lỡ, chị đã không thành chị dâu tôi. Mỗi khi nhớ tới lời chị giải nghĩa cái tên Cao Thanh Sơn của tôi, tôi lại vô cùng xúc động biết ơn chị. Tôi đã là một người giàu có.