----- Chào mừng năm học mới 2023-2024 -----*****------ Chất lượng - Nề nếp - Sáng tạo - Hiệu quả - *****-
Cập nhật : 8:23 1/10/2021
2372 lượt đọc

Yêu và hiểu truyện Mỵ Châu nhờ phương pháp dạy học liên văn bản

Dạy học liên văn bản trong môn Ngữ văn rất quan trọng. Hiểu được bản chất của văn bản cũng như biết vận dụng lý thuyết liên văn bản, người thầy có một cơ hội lớn để làm giàu kiến thức văn học, văn hóa, kiến thức về đời sống cho học sinh, qua đó tạo hứng thú và khơi gợi trí tưởng tượng của người học.

Tranh minh họa - Nguồn: Internet

Trong dạy học môn Ngữ văn, đặc biệt là các bài Đọc văn,  nhiều thầy cô giáo đã và đang có ý thức sưu tầm và vận dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa có liên quan đến văn bản văn học trong chương trình để dẫn dắt, gợi ý giúp học sinh tìm hiểu, cảm thụ tác phẩm sâu sắc hơn. Giáo viên sưu tầm, chọn lọc các tác phẩm nghệ thuật ngoài chương trình liên quan đến bài học đáp ứng được mục đích liên hệ, phù hợp với nội dung, định hướng giáo dục, từ đó mở rộng năng lực cảm thụ và sáng tạo cho học sinh.

Theo kinh nghiệm của người viết, nên vận dụng văn bản ngoài chương trình vào phần mở rộng ở cuối mỗi bài học. Khi đó học sinh đã nắm vững kiến thức về tác phẩm, nhân vật, chi tiết nghệ thuật, giá trị nội dung và tư tưởng của tác phẩm do đó việc cảm thụ văn bản ngoài chương trình sẽ đảm bảo đúng hướng, tránh được những cách hiểu lệch lạc. Chẳng hạn, dạy bài “Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy” trong chương trình Ngữ văn 10, khi tiến hành hoạt động Vận dụng, tôi cho các em cảm thực hiện nhiệm vụ sau:

"Từ hiểu biết của em nhận về nhân vật Mỵ Châu trong truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu, Trọng Thủy”, hãy nêu cảm nhận về tâm sự của Mỵ Châu trong bài thơ “Lời Mỵ Châu” của Đỗ Trung Lai:

Lời Mỵ Châu

Cha ơi, cha chọn rể

Cha đắp lũy xây thành

Mà sao khi nước mất

Cha xử con tội hình

 

Thần rùa biết cơ giời

Cớ sao còn tặng nỏ

Sao nỡ trỏ vào em

Giặc đằng sau vua đó

 

Chàng đã phụ đời ta

Từ khi chưa gặp mặt

Chuyện tình thành Cổ Loa

Đau trước ngày thứ nhất

 

Sống cũng chẳng được nào

Nước mất, tình cũng mất

Nhưng chết dưới gươm cha

Thì ngàn năm oan nghiệt

 

Nỗi oan này hóa ngọc

Dưới chín tầng bể sâu

Thần với người đâu cả

Bao giờ thì biết yêu?”

Bài tập được giao cho 4 nhóm học sinh chuẩn bị ở nhà, sau đó thuyết trình kết quả trên lớp. Kết quả thu được khá bất ngờ khi các em có những cảm thụ hay và sâu sắc hơn về nhân vật và tác phẩm. Các bài thuyết trình sinh động, thể hiện cái nhìn, quan điểm đa chiều về nhân vật Mỵ Châu: một công chúa con vua, một con dân nước Việt, một người tình thủy chung... Học sinh đã hóa thân vào nhân vật để cảm nhận được nỗi đau đớn tột cùng của Mỵ Châu, từ đó rút ra những bài học gần gũi và thiết thực trong cuộc sống.

Lời trách của Mỵ Châu với phụ vương, trên cương vị người con bị coi là "tội nhân muôn đời", nàng trách phụ vương: Cha là người chọn con rể, cha đã đưa con vào một cuộc hôn nhân oan nghiệt “nhận giặc làm chồng”. Phận nữ nhi con chỉ biết vâng lời. Con đã hết lòng yêu thương chồng, những mong đem ân ái mà hoá giải hận thù, nguyện dùng tấm chân tình để bắc nhịp cầu hoà hiếu giữa hai nước.

Khi cơ đồ chìm xuống tầng biển sâu, nỗi đau mất nước quá lớn, Thần và Vua cha đã để một người con gái nhỏ nhoi yếu ớt trở thành vật hy sinh: Rằng chúng ta mất nước không phải do thành lũy không vững chắc, quân đội không tinh nhuệ, vũ khí không sắc bén… mà do sự nhẹ dạ cả tin của nàng công chúa trót để “trái tim trên đầu”.

Lời trách thứ hai dành cho thần Kim Quy. Thần biết cơ trời định sẵn Âu Lạc sẽ mất về tay ngoại bang sao còn trao nỏ thần cho vua cha? Mất nước là do cơ đồ chưa vững chắc, do lòng dân chưa yên ổn, thế nước chưa cường thịnh chứ một người con gái nhỏ nhoi như em sao có thể là nguyên nhân mất nước? Một trách nhiệm lớn lao mà cả thần linh, vua cha và triều đình đều không gánh vác được sao lại đổ lên vai em?

Lời trách thứ ba, đau đớn nhất hướng về Trọng Thuỷ: “Chàng đã phụ đời em/ Từ khi chưa gặp mặt”. Đó quả là mối tình oan nghiệt nhất vì người ta yêu nhau rồi mới phụ tình nhau. Còn ở đây, chàng đã mang sẵn âm mưu lừa gạt thiếp từ khi chưa gặp mặt, dù thiếp có xinh đẹp đến nhường nào, trái tim thiếp có yêu chàng say đắm bao nhiêu cũng sẽ bị chàng phản bội. Người ta thường nói khi yêu sẽ biết đến đau khổ, nhưng chuyện tình thành Cổ Loa lại “Đau trước ngày thứ nhất”.

Nước mất, nhà tan, tình yêu bị dối lừa phản bội thì cuộc sống đối với Mỵ Châu còn đau khổ hơn nghìn lần cái chết. Nhưng chết vì bị cha chém đầu chỉ vì tội duy nhất là yêu say đắm người chồng của mình thì thật là oan nghiệt. Vì thế dân gian đã sáng tạo nên chi tiết hoá thân kép của Mỵ Châu: xác hoá thành ngọc thạch - máu hoá thành ngọc trai. Ngọc thạch và ngọc trai đều rất đẹp, quý giá và tinh khiết. Xác nàng hoá thành ngọc thạch để lại bài học cho muôn đời sau về sự cảnh giác với kẻ thù: “Vẫn còn đây pho tượng đá cụt đầu/ Vì cụt đầu nên tượng càng rất sống/ Cái cụt đầu gợi tới dòng máu nóng/ Hai ngàn năm dưới đá vẫn tuôn trào” (Thơ Anh Ngọc).

Máu của Mỵ Châu hoá thành ngọc trai là một chi tiết nghệ thuật rất hay. Ngọc trai được tạo nên khi con trai bị một vết thương trong ruột, để chống chọi nỗi đau nó tiết ra chất xà cừ bao bọc vết thương lại rồi dần dần thành ngọc. Ngọc trai là kết tinh của nỗi đau để trở thành biểu tượng cho cái đẹp tròn trịa, trong trắng và tinh khiết, không một hình ảnh hóa thân nào hợp với nàng Mỵ Châu hơn thế!

Câu cuối cùng là câu thơ hay nhất, một câu hỏi đau đáu lay tỉnh trái tim của tất cả mọi người: “Bao giờ thì biết yêu?”. Thần không biết yêu, vua không biết yêu, chỉ có nhân dân là thực sự biết yêu nên đã sáng tạo ra chi tiết “ngọc trai giếng nước” và dựng đền Mỵ Châu bên cạnh đền An Dương Vương để minh oan cho nàng. Chỉ có những ai thực sự biết yêu một tình yêu trần thế mới hiểu cho bi kịch của Mỵ Châu và nàng mới được cởi bỏ nỗi oan làm giặc để trở thành biểu tượng cho tình yêu bất tử.

Sau màn thuyết trình của các đội là những tranh luận phản biện rất sôi nổi, hào hứng. Như vậy cái đọng lại sau tiết học sẽ là thái độ trân trọng văn hoá dân gian và niềm hứng thú tìm hiểu các tác phẩm văn học.

Tác giả: Dương Khánh Toàn/ THPT Nguyễn Thị Giang

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC

Giấy phép số: 133/GP-TTĐT ngày 01/8/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc.

Cơ quan chủ quản: UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Cơ quan quản lý:  SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Huyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Địa chỉ: Số 539 đường Mê Linh, Phường Khai Quang, Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: sogddt@vinhphuc.gov.vn. 

Điện thoại: 0211.3862570 - Fax: 0211.3862581.

Bản quyền thuộc Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc.

Ghi rõ nguồn: 'Cổng TTĐT Sở GDĐT Vĩnh Phúc' hoặc “Vinhphuc.edu.vn” khi phát hành lại thông tin từ Cổng TTĐT Sở GDĐT Vĩnh Phúc.

 Chung nhan Tin Nhiem Mang